Trung tâm nghiên cứu phát triển hòa nhập

Tiền thân là tổ chức NLR Mekong

Gia đình, nhà trường và xã hội cùng nhau hỗ trợ trẻ em khuyết tật

Tôi là Ka Phu Chiêng, tôi là mẹ của em A Rất Thị Mỹ Hạnh, học sinh lớp 4 trường tiểu học Thạnh Mỹ. Tôi năm nay 27 tuổi. Gia đình chúng tôi sống ở thôn Mực, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Kết hôn từ năm 17 tuổi, nay tôi và chồng đã có 3 đứa con. 2 vợ chồng tôi làm nương rẫy để sinh sống, thu nhập cũng chỉ đủ để trang trải bữa ăn hàng ngày và lo cho các con. Gia đình chúng tôi thuộc hộ nghèo của thôn.

Điều khiến chúng tôi băn khoăn nhất cho gia đình chúng tôi là cả 3 đứa con sinh ra đều nhỏ bé khác người, chúng tôi rất buồn. Khi quyết định sinh con thứ 2, thứ 3, chúng tôi đã hi vọng các con sẽ được như những đứa trẻ bình thường khác, nhưng chúng tôi đã thất vọng. Tôi cũng không hiểu vì sao thôn Mực của chúng tôi có khá nhiều trẻ em bị khuyết tật đủ dạng, riêng trường bé Hạnh học cũng có đến 14 em học sinh khuyết tật. Thôn của chúng tôi rất nghèo nên việc quan tâm đến trẻ khuyết tật cũng rất hạn chế.

Việc mưu sinh hàng ngày vốn đã khó khăn, nay cả 3 con bị khuyết tật càng khiến cuộc sống vợ chồng tôi đi vào ngõ cụt. Vợ chồng tôi đã rất buồn lòng, cảm thấy bất lực và muốn buông xuôi. Chúng tôi nghĩ rằng thôi thì chỉ lo cho chúng bữa ăn là đủ rồi, còn việc học hành có hay không cũng không quan trọng nữa. Nhưng từ khi trường tiểu học Thạnh Mỹ được tham gia vào dự án của VNHIP*, chúng tôi đã suy nghĩ khác đi nhiều. Dự án và nhà trường đã quan tâm hỗ trợ gia đình và các con tôi cùng các gia đình có trẻ khuyết tật khác nhiều mặt cả về vật chất, tinh thần và kiến thức để giúp các cháu có thể học tập và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.

Bé Hạnh con tôi trở nên hứng thú với việc đi học, cháu cũng có nhiều bạn bè ở trường hơn. Về nhà cháu cũng tự giác học bài và làm bài, cháu rất thích chiếc bàn học và đèn học mà dự án trao tặng. Cô giáo cũng đánh giá thành tích học tập của Hạnh tốt hơn so với trước kia. Đặc biệt, từ khi được tham gia các sự kiện, các hoạt động ngoại khóa, Hạnh trở nên hoạt bát, hòa đồng hơn hẳn. Nhà trường, giáo viên, các phụ huynh và các trẻ khác cũng không còn kì thị con chúng tôi nữa, ngược lại họ quan tâm và thông cảm cho hoàn cảnh của chúng tôi hơn. Vợ chồng tôi rất biết ơn dự án, nhà trường và cộng đồng đã quan tâm đến những hoàn cảnh như gia đình chúng tôi và những trẻ em thiếu may mắn như Hạnh. Chúng tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm hơn với con em mình, vì vậy, tôi và chồng luôn cố gắng cùng con tham gia các sự kiện tổ chức cho học sinh khuyết tật ở trường, tham gia các khóa tập huấn cho phụ huynh do dự án tổ chức. Nhờ vậy, tôi cũng học hỏi được những kiến thức bổ ích để giúp đỡ hỗ trợ con tại nhà. Tôi nghĩ rằng, cộng đồng xã hội đã quan tâm đến con mình như vậy, tại sao mình là cha mẹ lại có thể bỏ mặc con. Chúng tôi cần cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa.

*Vietnam Health Improvement Project, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam