Trung tâm nghiên cứu phát triển hòa nhập

Tiền thân là tổ chức NLR Mekong

Khám Sàng Lọc Nhu Cầu Can Thiệp Cho Người Khuyết Tật (Tháng 05-06, 2023)

Trong khuôn khổ dự án Hòa nhập 1 giai đoạn 2023-2024, Liên danh AAI đã tiến hành khám xác định nhu cầu cần can thiệp của người khuyết tật và xây dựng kế hoạch can thiệp nhằm đảm bảo các dịch vụ cung cấp đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của người hưởng lợi.

Từ ngày 20/05 đến ngày 15/06/2023, hoạt động diễn ra tại 07 huyện thực hiện dự án thuộc địa bàn 3 tỉnh miền Trung là Quảng Trị (huyện Gio Linh và huyện Hải Lăng), Thừa Thiên Huế (huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền và huyện A Lưới) và Quảng Nam (huyện Núi Thành và Điện Bàn). 

Khám sàng lọc/Screening Examination

(Khám Sàng Lọc tại tỉnh Quảng Trị)

Khám sàng lọc/Screening Examination

(Khám Sàng Lọc tại tỉnh Thừa Thiên Huế)

Khám sàng lọc/Screening Examination

(Khám Sàng Lọc tại tỉnh Quảng Nam)

Để chuẩn bị cho hoạt động khám, Liên danh AAI đã phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân (UBND) và Trạm Y tế các xã tại các huyện dự án để khảo sát nhu cầu, xây dựng danh sách mời tới khám và lên kế hoạch khám sàng lọc. Đồng thời, các tổ chức thành viên đã tổ chức họp với Nhóm đa ngành và các kĩ thuật viên sẽ tham gia khám về kế hoạch thực hiện và phân công công việc cụ thể cho từng nhóm chuyên môn (bao gồm Bác sỹ PHCN, kĩ thuật viên VLTL – HĐTL – NNTL và Điều dưỡng chăm sóc).

Quá trình khám sàng lọc được tiến hành một cách thống nhất và đồng bộ trên cả 3 tỉnh dự án, bao gồm Khám tập trung và Khám tại nhà cho người khuyết tật. Các bước thực hiện cho từng loại hình tổ chức khám được mô tả vắn tắt theo hình vẽ và trình bày cụ thể như sau:

Khám sàng lọc/Screening Examination

Số lượng người khuyết tật đã đến và được khám sàng lọc cũng như dự kiến nhận các dịch vụ can thiệp của dự án là 1.231. Tỷ lệ người khuyết tật đến khám dự kiến nhận can thiệp là khá cao (trung bình > 85% tại cả 3 tỉnh). Tỷ lệ người khuyết tật đến khám bị loại do không phù hợp với mục đích can thiệp của dự án hoặc là do bản thân người khuyết tật từ chối/không có nhu cầu tiếp nhận can thiệp, hoặc là không phù hợp để can thiệp theo tiêu chí của dự án chỉ khoảng ≤ 15%.

Để có được kết quả này, nhóm cán bộ dự án của các tổ chức thành viên đã làm việc khá chặt chẽ với cán bộ địa phương trong việc rà soát danh sách và khảo sát kỹ nhu cầu của người khuyết tật để có thể lựa chọn đối tượng phù hợp mời đến khám.

Hoạt động diễn ra tương đối thành công và thuận lợi nhờ sự hỗ trợ của UBND và Trạm y tế các xã trong khâu chuẩn bị và tổ chức khám sàng lọc, sự nhiệt tình và thái độ làm việc tích cực của Nhóm đa ngành gồm đội ngũ bác sỹ và kỹ thuật viên có chuyên môn cao. Ngoài ra, không thể không kể đến nhóm cán bộ dự án của Liên danh AAI đã có sự chuẩn bị chu đáo về mặt lên kế hoạch, hậu cần và giám sát để kịp thời xử lý và điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình khám tập trung.

Khám sàng lọc/Screening Examination

(Đội ngũ cán bộ tham gia khám sàng lọc tại tỉnh Quảng Nam)


Để biết thêm thông tin chi tiết về tiến độ dự án, vui lòng theo dõi trang facebook của tổ chức tại đây: 

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập hoặc truy cập website của tổ chức tại link sau: RCI.NLR

“Dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” được thực hiện tại ba tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam (Dự án Hoà nhập 1) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, dưới sự quản lý của Chủ dự án Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET) – trực thuộc Bộ Quốc phòng, thông qua tổ chức quản lý tài trợ Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP) và thực hiện bởi Liên danh AAI.”