Trung tâm nghiên cứu phát triển hòa nhập

Tiền thân là tổ chức NLR Mekong

RCI tổ chức khóa tập huấn về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn

Tiếp nối khóa tập huấn về Sức khỏe sinh sản và Quyền về Sức khỏe sinh sản do RCI và VEAFA đồng thực hiện năm 2019 với sự tài trợ chính của chương trình Aus4Skill của Đại sứ quán Úc, năm 2020, RCI đã thực hiện chuỗi hoạt động tập huấn và hành động về Sức khỏe Sinh sản, Tình dục an toàn, Quyền về SKSS và Thực hiện Nghiên cứu hành động về SKSS tại Việt Nam từ ngày 24/10 tới ngày 04/11. Đây là một hoạt động trong dự án về Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ khuyết tật do Liliane Fonds (LF) tài trợ.

Đối tượng học viên tham gia chuỗi tập huấn này gồm nhóm lớp trẻ điếc C5 tại Hà Nội, cha mẹ và giáo viên của nhóm trẻ C5, các thanh thiếu niên khuyết tật và thanh thiếu niên điếc, phụ huynh và giáo viên của những thanh thiếu niên này từ 3 tỉnh dự án của RCI là Quảng Trị, Đà Nẵng – Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.

Chuỗi tập huấn cho nhóm lớp C5 tại Hà Nội được thực hiện trong 3 ngày 24, 31/10 và 01/11/2020 với sự tham gia của 20 trẻ điếc, 18 phụ huynh, 4 thầy cô giáo là người điếc và 7 anh/chị em của các trẻ điếc. Các thầy, cô giáo và 3 phụ huynh nòng cốt của C5 được tập huấn trước nhằm thiết kế một chương trình học về SKSS phù hợp với độ tuổi và năng lực tiếp thu của nhóm trẻ C5. Sau đó, nhóm trẻ C5 đã được tham gia một chuyến tập huấn kết hợp dã ngoại kết hợp cùng cha mẹ và anh chị em của mình. Với hình thức này, tất cả trẻ em và phụ huynh đều hào hứng tham gia vào các hoạt động dạy và học do nhóm giáo viên C5 thiết kế về nội dung SKSS.

Khóa học cho thanh thiếu niên khuyết tật và thanh thiếu niên điếc từ 3 tỉnh dự án tại miền Trung diễn ra trong 2 ngày 31/10 và 01/11/2020. Hơn 40 học viên gồm 25 thanh thiếu niên khuyết tật, phụ huynh, giáo viên và cán bộ dự án của các tổ chức đối tác của RCI đã tham gia vào khoa học. Giảng viên của khóa học chính là 2 học viên người điếc đã được tập huấn về nội dung này từ giảng viên điếc người Úc năm 2019. Các học viên đã được truyền đạt lại các kiến thức về SKSS, Tình dục an toàn và Quyền về SKSS, tham gia vào các hoạt động thảo luận nhóm, đóng vai và trình bày trước lớp về các nội dung đã học.

Kết thúc khóa học, rất nhiều học viên, bao gồm cả các phụ huynh và giáo viên, đã bày tỏ niềm vui khi được tham gia vào khóa học và được chứng kiến sự hăng hái và tích cực của con – học trò của mình trong thời gian học. Những kiến thức hữu ích được truyền tải bằng các phương pháp tập huấn phù hợp và được dẫn dắt bởi các giảng viên đặc biệt đã giúp các học viên là thanh thiếu niên khuyết tật tham gia đầy đủ vào các hoạt động trong khóa học. Hơn 90% học viên đã phản hồi là họ hài lòng với nội dung học, với giảng viên và sẽ truyền đạt những kiến thức đã học tới bạn bè, con em và học sinh của mình sau đó.

Học viên tham gia khóa học thực hiện tập huấn lại cho thanh thiếu niên khuyết tật tại Trường chuyên biệt Tương Lai, Thành phố Huế tháng 12 năm 2020

Tiếp nối khóa học về Sức khỏe Sinh sản và Quyền về SKSS, hơn 20 thanh thiếu niên khuyết tật và cán bộ nòng cốt gồm giáo viên và cán bộ dự án tiếp tục tham gia khóa tập huấn về Nghiên cứu hành động và Thực hành nghiên cứu hành động về chủ đề SKSS từ ngày 02 đến 04/11/2020. Các học viên đã được trang bị những kiến thức cơ bản về Nghiên cứu Hành động, kỹ năng, cách thức, công cụ và những điều cần ghi nhớ khi tiến hành nghiên cứu hành động. Các thanh thiếu niên, giáo viên và cán bộ dự án đã tham gia rất tích cực vào việc xác định các cơ hội thực hiện nghiên cứu hành động tại địa phương nơi mình sinh sống. Với sự hỗ trợ của giảng viên, các học viên đã lên được kế hoạch sơ bộ về những nội dung cơ bản cần thực hiện, làm cơ sở cho việc hoàn thiện và tiến hành nghiên cứu về SKSS trong năm 2021.

Kết thúc chuỗi hoạt động tập huấn về SKSS và Quyền về SKSS, tất cả các học viên tham gia đều bày tỏ mong muốn được tham gia thêm những khóa tập huấn về SKSS nói riêng và về các kiến thức, kỹ năng cần thiết khác nói chung dành cho thanh thiếu niên khuyết tật và cha mẹ của thanh thiếu niên khuyết tật. Các vị phụ huynh hi vọng rằng những khóa tập huấn có sự tham gia của nhiều nhóm đối tượng khuyết tật và gia đình, thầy cô giáo sẽ được tổ chức thường xuyên hơn để không chỉ trẻ khuyết tật có cơ hội học hỏi kiến thức, mà chính bản thân cha mẹ/người chăm sóc trẻ và các thầy cô giáo của trẻ cũng có cơ hội được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trau dồi những kỹ năng, phương pháp nuôi dạy trẻ phù hợp và hiệu quả nhất. RCI ghi nhận mọi ý kiến đóng góp và sẽ tiếp tục tổ chức những khóa học như vậy trong năm 2021 và những năm sau đó.