Trung tâm nghiên cứu phát triển hòa nhập

Tiền thân là tổ chức NLR Mekong

Từng bước cải thiện phương pháp giảng dạy cho trẻ em khuyết tật

Tôi là Xuân, hiện đang giảng dạy tại một trường tiểu học thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Kể từ năm 2020, trường mới có học sinh khuyết tật. Trong lớp của tôi có một em khuyết tật tên là Tụy. Là một giáo viên trẻ nên tôi cũng khá bỡ ngỡ trong lúc giảng dạy cho em vì khả năng tiếp thu của em khó hơn các bạn khác rất nhiều. Nhưng cũng khá may mắn tại điểm trường, số lượng học sinh mỗi lớp không nhiều nên tôi có thời gian hơn để quan tâm hơn đến em. Hơn nữa em Tụy rất ngoan và hòa đồng với bạn bè. Nhà em thuộc hộ nghèo trong xã và ba em thì mất sớm nên mẹ em gặp rất nhiều khó khăn và phải làm việc vất vả để nuôi Tụy ăn học. Hiểu được điều đó, tôi luôn khuyến khích cho em tham gia mọi hoạt động trong lớp và nhắc nhở học trò hỗ trợ cho Tụy.

Tôi cũng đã cố gắng để làm sao lồng ghép nội dung giảng dạy cho em phù hợp mà cũng đảm bảo chương trình cho các em khác. Tuy nhiên vì chưa có phương pháp cụ thể nào để hỗ trợ các em được đúng hướng nên cũng đã tạo nên áp lực cho giáo viên chúng tôi. Sau khi được Phòng GD&ĐT Nam Giang đề xuất với tổ chức VNHIP để bổ sung giáo viên vào tập huấn, tôi thật sự rất là vui mừng. Sau tập huấn, tôi đã có cơ sở để đánh khả năng và lên kế hoạch giảng dạy trẻ khuyết tật một cách khoa học và hiệu quả hơn trước. Tôi biết cách đề ra mục tiêu rõ ràng cho từng học kì phù hợp với khả năng của Tụy. Mỗi mục tiêu thì luôn cụ thể và có kế hoạch thực hiện theo từng tuần từng tháng. Tôi cũng không còn áp lực khi phải cố gắng dạy em nhiều nhất có thể để theo kịp chương trình mà thay vào đó củng cố những kiến thức cơ bản mà em có thể nắm được và phát triển dần dần lên.

Một điều nữa làm tôi có thêm động lực là không chỉ giáo viên mà nhà trường và gia đình cũng ngày càng đồng hành cùng với trẻ khuyết tật. Thông qua những chương trình phát động và kêu gọi như We Ring The Bell hay các chương trình ngoại khóa nhân dịp ngày Tết trung thu hay Tết thiếu nhi, trẻ khuyết tật thật sự đã được quan tâm nhiều hơn và có sự đồng cảm từ cộng đồng nhiều hơn. Phụ huynh của các em không còn mặc cảm như ngày xưa nữa mà chủ động hơn để trao đổi và gửi gắm các em cho giáo viên.

Với tôi bây giờ việc giảng dạy lớp có học sinh khuyết tật là một cơ hội để tôi trau dồi kinh nghiệm giảng dạy nhiều hơn và phần nào đó giúp đỡ cho các em hòa nhập vào xã hội được tốt hơn sau này. Thông qua dự án của VNHIP, tôi nhận thấy được không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới cũng đang chung tay từng ngày đem lại cơ hội học tập và phát triển cho trẻ khuyết tật. Tôi có thêm động lực mỗi ngày vì mình không còn đơn độc trong hành trình này.