Trung tâm nghiên cứu phát triển hòa nhập

Tiền thân là tổ chức NLR Mekong

Hỗ trợ trẻ khuyết tật bằng tình yêu thương và sự thấu hiểu

Tôi tên là Phạm Thị Thảo, hiện đang công tác tại trường Chuyên biệt Tương Lai, ngôi trường được thành lập từ năm 2001. Năm 2006, tôi đã trở thành giáo viên dạy các học sinh khuyết tật. Tôi đã có bao nhiêu là kỷ niệm tại ngôi trường – nơi đây thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và dạy các cháu khuyết tật như down, chậm phát triển trí tuệ, bại não, tự kỷ. Đây là nhóm trẻ yếu thế hạn chế cả về phát triển thể chất lẫn tinh thần. Các em gặp nhiều khó khăn trong việc học các kỹ năng từ cơ bản như tập bò – ngồi – đi, từ tập nói đến học kỹ năng học đường, từ tập đi vệ sinh đến học cách tự bảo vệ bản thân, học cách kết bạn, từ học nghề đến làm nghề – làm việc. Các em luôn cần sự hỗ trợ, thông cảm và chia sẻ.

Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, nay dạy cháu bị khiếm khuyết cái khó đó lại gấp bội lên nghìn lần. Các gia đình khi đưa con đến trường luôn muốn con mình tiến bộ, mong mỏi đó của phụ huynh chỉ có 1 thì với giáo viên chúng tôi cái nỗi mỏi mong đó tận 10.

Niềm vui của các cô giáo dạy trẻ khuyết tật đôi khi đến rất nhẹ nhàng và đơn giản. Chúng tôi òa lên sung sướng khi cháu tự đút cơm ăn, khi cháu viết được những nét chữ nghuệch ngoạc trên đôi bàn tay bị khiếm khuyết hoặc khi cháu bi bô gọi “cô ơi”. Để nắm bắt được nhu cầu của các em, người giáo viên cần phải yêu thương, hiểu và đặt mình vào vị trí của các em thì mới hỗ trợ phù hợp những hạn chế mà các em đang gặp phải.

Hàng ngày đến trường, tôi cùng các đồng nghiệp đón học sinh vào lớp, cùng em thực hiện các hoạt động học cả ngày, cùng ăn cơm và nghỉ trưa, hướng dẫn các em làm nghề thủ công với giấy, vải, hạt cườm. Cùng các em tham gia các hoạt động xã hội như tham gia các lễ hội của địa phương, giao lưu kỹ năng sống và thể thao, dã ngoại, biểu diễn, tập huấn kỹ năng cho người khuyết tật.

Tình hình nuôi dạy và chăm sóc trẻ khuyết tật trên địa bàn chúng tôi vẫn có nhiều khó khăn. Gia đình chưa có đủ điều kiện kinh tế cũng như kiến thức để hiểu và dạy dỗ con mình. Trường học chưa có đủ phương tiện đồ dùng hỗ trợ dạy học cho phù hợp với nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Cộng đồng xã hội cần tăng thêm nhận thức mở rộng các hoạt động ngoại khóa, hướng nghiệp, tạo việc làm, chấp nhận người khuyết tật trong cộng đồng nhiều hơn.