Trung tâm nghiên cứu phát triển hòa nhập

Tiền thân là tổ chức NLR Mekong

Tăng cường sự tham gia của trẻ khuyết tật trong giáo dục hòa nhập giúp tạo ra những thay đổi tích cực

Nhằm thúc đẩy giáo dục hòa nhập tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Hòa nhập (RCI) đã triển khai dự án “Tăng cường sự tham gia của trẻ khuyết tật trong giáo dục hòa nhập” tại ba huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình), Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) và Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Trong giai đoạn đầu từ năm 2017 đến năm 2020, các can thiệp của dự án ở các cấp độ khác nhau của hệ thống giáo dục đã mang lại những thay đổi tích cực trong cuộc sống của trẻ khuyết tật và gia đình các em.

Một hoạt động học tập dành cho trẻ em khuyết tật và không khuyết tật tại vùng dự án

Trong khuôn khổ dự án, 166 trẻ em khuyết tật đã được khám sức khỏe ban đầu và đánh giá khả năng học tập. Sau khi khám sàng lọc, những trẻ có vấn đề về sức khỏe cần được điều trị đã được chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh. Dự án cũng đã trao tặng các thiết bị hỗ trợ phù hợp bao gồm xe lăn, máy trợ thính và kính cho 12 trẻ em khuyết tật.

Dự án đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa như biểu diễn văn nghệ, thi viết, vẽ và chơi trò chơi với sự tham gia của 200 trẻ em khuyết tật. Dự án đã thành lập 18 nhóm trẻ em hỗ trợ trẻ em. Thông qua sự hỗ trợ lẫn nhau, trẻ em không khuyết tật hiểu hơn về những khó khăn của trẻ em khuyết tật. Sự gắn bó và tình bạn thân thiết giữa trẻ em khuyết tật và không khuyết tật trong các nhóm đã giúp trẻ em khuyết tật xóa bỏ những mặc cảm về khiếm khuyết, tăng thêm sự tự tin và động lực đến trường và tham gia các hoạt động tại trường học.

Một chuyến đi trải nghiệm dành cho trẻ em khuyết tật và gia đình các em

Hơn 250 giáo viên và lãnh đạo trường học đã tham gia các khóa tập huấn, hội thảo và hoạt động dự giờ. Các chủ đề tập huấn bao gồm tổng quan về giáo dục hòa nhập, nhận dạng khuyết tật, phương pháp và kỹ năng dạy trẻ khuyết tật và xây dựng kế hoạch học tập cá nhân. Những giáo viên tham gia tập huấn đã tiếp tục chia sẻ các kiến thức thu nhận được với các giáo viên không tham gia tập huấn. Sau đó những kiến thức này đã được giáo viên ứng dụng linh hoạt cho từng trường hợp cụ thể của học sinh khuyết tật.

Khi tham gia các hoạt động dự án, các giáo viên cũng tích cực đối thoại với phụ huynh của trẻ khuyết tật hơn. Tại một số trường ở Quảng Trị và Quảng Nam, giáo viên đã tham vấn phụ huynh của trẻ khuyết tật khi bắt đầu xây dựng kế hoạch học tập cho trẻ, hoặc trước khi thay đổi các chỉ tiêu học tập cho phù hợp hơn với tình hình và khả năng hiện tại của trẻ.

Các giáo viên chia sẻ kiến thức thông qua hoạt động dự giờ

Dự án đã hỗ trợ cải tạo và xây dựng lại đường dốc cho xe lăn, nhà vệ sinh và mái che từ các phòng học đến nhà vệ sinh tại chín trường tiểu học. Ngoài ra, dự án đã trang bị tủ sách mới cho các lớp học tại ba trường tiểu học tại Quảng Nam. Cơ sở vật chất thân thiện với người khuyết tật đã tạo điều kiện để trẻ khuyết tật hưởng ứng tham gia các hoạt động ở trường như các bạn cùng trang lứa. Trẻ khuyết tật, phụ huynh và giáo viên đánh giá cao hiệu quả của những hỗ trợ này.

Dự án được xây dựng và triển khai với sự hợp tác của Phòng Giáo dục huyện và các bên liên quan trên địa bàn, từ trường tiểu học ở các xã đến Sở Giáo dục và Đào tạo cấp tỉnh. Các trường mục tiêu cũng tích cực hợp tác với chính quyền địa phương trong việc thực thi các quyền của trẻ khuyết tật, chăm sóc trẻ khuyết tật và gia đình các em.

Tập huấn về hòa nhập cho học sinh tại một trường học hòa nhập

Với những hỗ trợ này, trẻ em khuyết tật ở ba vùng dự án đã phát triển khỏe mạnh hơn. Các em tự tin tham gia các hoạt động của trường và lớp hơn. Qua phỏng vấn, hầu hết các em, bao gồm cả những học sinh chuyển từ trường chuyên biệt sang trường hòa nhập, đều trả lời rằng các em thích đến trường và rất yêu thầy cô giáo của mình.

Các kết quả nói trên của dự án sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng, điều chỉnh và triển khai giai đoạn sau một cách hiệu quả nhất.