Nguyễn Thị Phi (32 tuổi) sống tại Huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên Huế. Phi là người khuyết tật về trí tuệ, chưa từng được đến lớp học và hiếm khi Phi có được cảm giác yêu thương, gắn bó từ chính người thân của mình. Phi sống với chị gái là Mỵ vì ba mẹ mất sớm. Chị cũng lo kiếm sống bằng nghề thu mua phế liệu và chăm lo cho gia đình riêng nên tình yêu đối với Phi có chăng cũng chỉ là phát bữa cơm, lâu lắm được chị gái mua cho Phi bộ áo quần và hiếm khi được trò chuyện sẻ chia cùng gia đình. Chính vì điều đó, thi thoảng Phi đi lang thang trên các con đường của xã, Phi thường bị lạc giữa các xã ở trong địa bàn huyện Phú Vang.
Chúng tôi, những nhà tâm lý, nhà công tác xã hội, đóng vai trò là cầu nối từ dự án Hòa nhập I để gắn kết người khuyết tật với tình yêu thương của người chăm sóc, của gia đình, đồng thời giảm thiểu sự kỳ thị từ người thân và cộng đồng.
Trong thời gian can thiệp, Chị Mỵ của Phi đã phối hợp rất tốt với chuyên viên tâm lý, đã học lớp tập huấn “Kỹ năng hỗ trợ và chăm sóc hàng ngày cho người khuyết tật” và đã thực hành kỹ năng giao tiếp. Từ đó, chị Mỵ hiểu hơn tâm lý của người khuyết tật nên thay đổi nhận thức và cả cách yêu thương dành cho Phi.
(Nguyễn Thị Phi – phải cùng chị gái – trái)
Chị cảm động chia sẻ: “Tôi thật sự biết ơn thầy cô và dự án Hòa nhập I rất nhiều. Trước đây chưa được tham gia tập huấn tôi và gia đình mình cứ nghĩ Phi bị khuyết tật không biết gì. Gia đình chỉ biết cho ăn và ít quan tâm, thỉnh thoảng còn la mắng Phi. Nhưng, từ đây chúng tôi đã hiểu và quan tâm hướng dẫn em gái những kỹ năng sống trong sinh hoạt nhiều hơn.”
Chị Mỵ đã chia sẻ và hướng dẫn lại cho con của chị, chồng, anh trai, chị dâu và những người thân hiểu hơn về Phi; Phi đã cảm nhận được tình yêu thương sự an toàn trong vòng tay gia đình. Hằng ngày, Phi ở nhà đã biết chủ động chia sẻ các công việc nhà: quét nhà, rửa bát và biết xếp áo quần gọn gàng vào tủ.
Những cố gắng hợp tác của gia đình, những thay đổi tiến bộ của người khuyết tật, sự quan tâm của cộng đồng chính là động lực để dự án Hòa nhập I sẽ tiếp tục trên hành trình kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy sự hòa nhập của cộng đồng người khuyết tật tại Tỉnh Thừa Thiên Huế.
Để biết thêm thông tin chi tiết về tiến độ dự án, vui lòng theo dõi trang facebook của tổ chức tại đây: Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập hoặc truy cập website của tổ chức tại link sau: RCI.NLR
“Dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” được thực hiện tại ba tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam (Dự án Hoà nhập 1) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, dưới sự quản lý của Chủ dự án Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET) – trực thuộc Bộ Quốc phòng, thông qua tổ chức quản lý tài trợ Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP)”