Trung tâm nghiên cứu phát triển hòa nhập

Tiền thân là tổ chức NLR Mekong

Âm Thanh Hạnh Phúc: Câu Chuyện Về Cậu Bé “Đặc Biệt”

Lần đầu tiên gặp bé Thanh dưới vai trò là kỹ thuật viên trị liệu của dự án Hòa nhập 1, nụ cười hồn nhiên của bé Thanh đã để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng tôi.

Nguyễn Hoàng Thanh (9 tuổi) ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, mắc hội chứng Down nhưng gương mặt cậu bé luôn sáng bừng lên bởi nụ cười hồn nhiên, vô tư. Trong buổi tập luyện đầu tiên, bé Thanh chỉ có thể bập bẹ nói “chào cô”, “mẹ”, “pa” với phát âm không rõ ràng, cũng không chịu chơi cùng cô giáo, chỉ thích chơi những trò con muốn. Tuy nhiên, chỉ tới buổi tập thứ tư, khi thấy tôi tới, bé Thanh đã chạy ra ôm tôi và dõng dạc reo lên gọi “cô Mơ.” Hai từ đó chính là động lực để tôi nỗ lực mỗi ngày.

hòa nhập 1/inclusion 1

(bé Thanh học tập)

Một lần liên hệ mẹ để hẹn ngày về tập cho bé Thanh, mẹ bé chia sẻ nói “Trước đây mọi ngày Thanh đi chơi gọi không chịu về. Giờ chỉ cần nghe cô Mơ tới dạy, không cần gọi Thanh tự chạy về luôn, nhanh lắm”. Thấy bé Thanh háo hức học tập như vậy, tôi vô cùng phấn khởi.

Kỳ tích chưa dừng lại tại đó. Sau một thời gian cùng học cùng chơi, bé Thanh đã nói được từ đơn, từ đôi với mức độ hiểu 60-70%. Hơn nữa, bé Thanh còn có thể đặt câu ngắn để mô tả tranh hoạt động khi xem tranh cùng cô.

hòa nhập 1/inclusion 1

(bé Thanh học tập)

Cho đến thời điểm hiện tại, khi kết thúc quá trình tập luyện, mẹ bé Thanh chia sẻ “Thanh có sự tiến bộ hơn rất nhiều, nói rõ hơn, vui vẻ hơn. Gia đình rất vui và rất cảm ơn dự án đã quan tâm tới con, giúp đỡ con có được sự phát triển như ngày hôm nay”.

Sự tiến bộ vượt bậc của bé Thanh là kết quả từ sự nỗ lực bản thân Thanh, sự phối hợp của gia đình, và sự đồng hành của dự án “Hoà nhập 1.” Nếu không có dự án thì tôi và bé Thanh đã không thể gặp gỡ và học tập cùng nhau. Cảm ơn dự án Hòa nhập 1 đã kết nối kỹ thuật viên chúng tôi với những gia đình cần sự hỗ trợ để chúng tôi có thể thực hiện công việc của mình một cách ý nghĩa hơn và đem tới kỳ tích cho họ.


Để biết thêm thông tin chi tiết về tiến độ dự án, vui lòng theo dõi trang facebook của tổ chức tại đây:

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập hoặc truy cập website của tổ chức tại link sau: RCI.NLR

Dự án Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” được thực hiện tại ba tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam (Dự án Hoà nhập 1) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, dưới sự quản lý của Chủ dự án Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET) – trực thuộc Bộ Quốc phòng, thông qua tổ chức quản lý tài trợ Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP), và được thực hiện trực tiếp bởi Liên danh AAI.