I. BỐI CẢNH
Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (viết tắt là RCI) là một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, bao gồm cả trẻ em và người khuyết tật do bệnh phong gây ra. Để đạt được mục tiêu này, RCI thực hiện những dự án, tiến hành các nghiên cứu và vận động chính sách về người khuyết tật, giáo dục hòa nhập, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng và thúc đẩy sự hòa nhập xã hội của người khuyết tật. RCI thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu và bằng chứng, từ hoạt động nghiên cứu, cho mục đích vận động chính sách; cải thiện tiếp cận về giáo dục hòa nhập chất lượng cho trẻ em khuyết tật; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; đồng thời tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong các hoạt động xã hội.
RCI luôn tích cực hưởng ứng và tham gia các sự kiện quốc tế, trong đó có Chiến dịch toàn cầu – We ring the Bell (Chúng ta cùng rung chuông) nhằm thúc đẩy quyền được đi học của trẻ khuyết tật. Chiến dịch này là một sáng kiến của quỹ Liliane Fonds (LF) – một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan hoạt động trong lĩnh vực hỗ trở trẻ khuyết tật khu vực châu Á, châu Phi và châu Mỹ- La tinh. Cho đến năm 2021, sự kiện này đã được tổ chức tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và vận động các nhà hoạch định chính sách về cơ hội đến trường của trẻ khuyết tật.
Covid 19 và các làn sóng dịch bùng phát mạnh mẽ dẫn đến các quyết định phong tỏa và giãn cách xã hội được chính quyền các tỉnh/ thành phố đưa ra, các sự kiện tập trung đông người như “Chúng ta cùng rung chuông” không thể thực hiện theo phương thức truyền thống thông thường. Vì vậy, để tiếp tục hưởng ứng chiến dịch mà vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch, năm 2021, RCI phối hợp với các tổ chức đối tác địa phương, phòng giáo dục và các trường học trên địa bàn thực hiện dự án do LF tài trợ tại 3 tỉnh Quảng Trị, Huế và Quảng Nam và một số đối tác tại Hà Nội để tổ chức cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông trực tuyến với chủ đề “Quyền đi học của trẻ em khuyết tật”
II. MỤC ĐÍCH
- Nâng cao nhận thức của trẻ em/học sinh, phụ huynh/người chăm sóc trẻ, giáo viên, cộng đồng và các bên liên quan về quyền được đi học của trẻ khuyết tật.
- Thúc đẩy sự lên tiếng của trẻ khuyết tật và trẻ em nói chung về quyền được đi học của các em.
- Thúc đẩy cam kết hành động của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và chính quyền các cấp trong việc đảm bảo quyền được tới trường của trẻ khuyết tật và cải thiện môi trường giáo dục hòa nhập, an toàn và tiếp cận với học sinh khuyết tật.
- Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để các em học sinh thể hiện tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo; đồng thời tạo điều kiện để các bên được giao lưu, học hỏi và chia sẻ những suy nghĩ, trải nghiệm trong việc học tập, giúp đỡ và được giúp đỡ lẫn nhau.
III. CHỦ ĐỀ VÀ THỂ LỆ CUỘC THI
1. Chủ đề và nội dung cuộc thi
– Chủ đề: “Quyền đi học của trẻ em khuyết tật”
– Nội dung gợi ý:
- Mô tả hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ các bạn học sinh khuyết tật trong việc đến trường, làm bài tập và hoạt động thường ngày tại trường học,
- Mô tả hoạt động vui chơi, giải trí, chia sẻ niềm vui cùng các bạn học sinh khuyết tật tại trường học,
- Đưa ra thông điệp kêu gọi mọi người yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ học sinh khuyết tật, đảm bảo quyền đi học của trẻ khuyết tật và tạo môi trường thân thiện, hòa nhập, tiếp cận với trẻ khuyết tật…,
- Các nội dung khác liên quan đến chủ đề “Quyền đi học của học sinh khuyết tật” mà các bạn có thể nghĩ ra, BTC khuyến khích sự sáng tạo trong nội dung và cách thức thể hiện.
2. Đối tượng tham gia
Cuộc thi dành cho tất cả trẻ em, thanh thiếu niên hiện đang học tập tại các cơ sở giáo dục tại các địa bàn dự án và mạng lưới đối tác của RCI gồm:
- Tỉnh Thừa Thiên Huế: các trường chuyên biệt và đối tác trong mạng lưới của tổ chức đối tác Quỹ Tư vấn Di truyền và Hỗ trợ trẻ khuyết tật (FGCDC),
- Tỉnh Quảng Trị: các trường thực hiện dự án tại huyện Triệu Phong,
- Tỉnh Quảng Nam: các trường thực hiện dự án tại huyện Nam Giang,
- TP Hà Nội: mạng lưới đối tác của RCI về giáo dục hòa nhập như nhóm lớp C5, trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, trường Câm điếc Xã Đàn, Nhóm trẻ Play & Learn, ….
Cuộc thi cũng khuyến khích sự đồng tham gia của các thành viên gia đình, giáo viên và các bạn cùng lớp. Các em có thể tham gia với tư cách cá nhân (độc lập) hoặc cùng với thành viên gia đình, bạn bè, thầy cô (tạo thành nhóm dự thi).
3. Yêu cầu về hình thức bài dự thi:
- Là các sản phẩm sáng tạo bằng hình ảnh như vẽ tranh, thiết kế poster, truyện tranh, truyện ngắn, thơ, chụp ảnh, làm video clip, đóng kịch … có thể sử dụng đăng tải trực tuyến.
Lưu ý: Một cá nhân hoặc nhóm có thể gửi nhiều bài dự thi, tuy nhiên BTC sẽ chỉ xét giải thưởng với bài dự thi đạt điểm số cao nhất. - Sản phẩm dự thi phải thuộc quyền sở hữu của tác giả; không sao chép, chỉnh sửa một phần hay toàn bộ từ tác phẩm hoặc thiết kế khác; và phải chưa từng được sử dụng/đăng tải dưới mọi hình thức trước đó. Tác giả phải chịu trách nhiệm bản quyền cho sản phẩm dự thi của mình.
- Sản phẩm chưa từng tham gia và đoạt giải tại bất kì một cuộc thi nào.
- Ngôn ngữ sử dụng: Tiếng Việt, ngôn ngữ ký hiệu, chữ nổi braille.
- Không giới hạn số lượng sản phẩm dự thi và hình thức sản phẩm.
4. Tiêu chí chấm bài:
- Nội dung, thông điệp rõ ràng và liên quan đến chủ đề (30% tổng điểm): truyền tải được thông điệp hay, ý nghĩa về quyền đi học của trẻ em khuyết tật.
- Phần chú thích/ thuyết minh (20% tổng điểm): diễn tả đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu nội dung câu chuyện/ mục đích/ mong muốn được thể hiện trong sản phẩm dự thi.
- Các yếu tố nghệ thuật (40% tổng điểm):
- Tính sáng tạo: ý tưởng độc đáo, ấn tượng.
- Tính thẩm mĩ: bố cục chặt chẽ, sản phẩm hấp dẫn, đẹp mắt và dễ hiểu.
- Tính phù hợp: ngôn ngữ và nội dung phù hợp với khán giả, có thể sử dụng để chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến, thông tin mang tính tích cực (yêu thương, chia sẻ, hỗ trợ…) thay vì tạo sự sợ hãi, xa lánh, đe dọa…
- Tính thực tiễn: sản phẩm phản ánh được thực trạng về quyền đi học của học sinh khuyết tật hiện nay.
- Tương tác tính theo số lượng thích, chia sẻ, bình luận (like, share và comment) – chiếm 10% tổng điểm: sản phẩm dự thi có sự tương tác tốt, hưởng ứng và lan tỏa tới cộng đồng mạng tính theo số lượng thích, chia sẻ, bình luận trên bài chia sẻ được đăng trên Fanpage của tổ chức RCI – Tiêu chí này chỉ áp dụng cho các bài dự thi đi tiếp trong vòng 2.
LƯU Ý: Khi xảy ra tranh chấp hoặc bất cứ vấn đề gì liên quan thì quyết định của BTC là quyết định cuối cùng
5. Cách thức tham gia và gửi bài dự thi
- Bài dự thi hợp lệ bao gồm:
- Phiếu cam kết và đồng thuận tham gia dự thi có chữ ký của cha mẹ/ người giám hộ và bản đăng ký dự thi.
- Sản phẩm dự thi phải là sản phẩm chưa được gửi đi dự thi ở các cuộc thi khác, hoặc là bản gốc – nghĩa là không được sao chép/mô phỏng theo 1 tác phẩm đã có sẵn từ trước.
Lưu ý: 1 thí sinh có thể được gửi nhiều sản phẩm dự thi và cần ghi rõ số lượng, tên, loại hình sản phẩm dự thi trong mẫu phiếu đăng ký và phiếu cam kết.
- Cách thức tham gia và các vòng thi
VÒNG 1 – Sơ loại
- Thí sinh gửi bản gốc bài dự thi và phiếu đăng ký cho giáo viên phụ trách tại trường học. Giáo viên phụ trách nhận bài sẽ lọc bài dự thi.
- Các bài dự thi đạt chất lượng do trường chọn sẽ được trao đổi bổ sung phiếu đồng thuận có chữ ký của bố mẹ. Tối đa 20 bài/ trường.
- Các trường tại các tỉnh sẽ gửi bản gốc bài dự thi, phiếu đăng ký và phiếu đồng thuận lên tổ chức đối tác của RCI tại tỉnh đó, các trường tại HN sẽ gửi trực tiếp về RCI.
VÒNG 2
- Các bài dự thi từ tỉnh sẽ được Ban giám khảo của tỉnh và RCI đồng chấm điểm; các bài dự thi tại Hà Nội được RCI và Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) đồng chấm điểm theo bộ tiêu chí. Điểm số cuối cùng là điểm trung bình của 2 đơn vị (tỉnh + RCI), cộng thêm điểm tương tác trên fanpage.
- RCI sẽ đăng tải các tác phẩm lên trên fanpage của RCI. Các thí sinh truy cập vào fanpage của RCI à thích (like) fanpage à sau đó thích/ bình luận/ chia sẻ (like/comment/share) bài viết về sản phẩm dự thi của mình. Số lượng thích, chia sẻ và bình luận là một trong số các tiêu chí chấm giải của cuộc thi trong vòng 2.
6. Thời gian tổ chức
Thời gian |
Hoạt động |
4/10/2021 – 30/10/2021 |
Phát động cuộc thi và nhận bài dự thi. |
2/11/2021 – 7/11/2021 |
· Các tỉnh chấm Vòng 1 các bài dự thi của tỉnh mình và gửi lại cho RCI theo đường bưu điện/email. · VAEFA và RCI đồng chấm các bài dự thi tại Hà Nội. |
10/11/2021 – 18/11/2021 |
RCI đăng tải bài dự thi lên fanpage và các thí sinh có 7 ngày kêu gọi các lượt tương tác cho bài dự thi của mình |
19/11/2021 – 22/11/2021 |
RCI tổng hợp điểm |
23/11/2021 |
Công bố kết quả cuộc thi |
7. Giải thưởng
Cơ cấu giải thưởng cho mỗi tỉnh gồm (giải thưởng bao gồm phần quà + tiền mặt):
- 01 giải nhất: Giải thưởng có giá trị 2.000.000 VNĐ + Giấy chứng nhận của BTC.
- 02 giải nhì: Giải thưởng có giá trị 1.500.000 VNĐ + Giấy chứng nhận của BTC.
- 03 giải ba: Giải thưởng có giá trị 1.000.000 VNĐ + Giấy chứng nhận của BTC.
- 10 giải khuyến khích: Giải thưởng có giá trị 500.000 VNĐ + Giấy chứng nhận của BTC.
Các sản phẩm đạt giải sẽ được RCI sử dụng cho các hoạt động/sự kiện phi lợi nhuận nhằm truyền thông về quyền đi học của trẻ khuyết tật. Các sản phẩm được sử dụng sẽ ghi rõ tên tác giả.
8. Lưu ý về chính sách bảo mật
- Ban Tổ chức cam kết bảo mật các thông tin cá nhân (trừ tên của tác giả ghi kèm sản phẩm khi công bố), không chia sẻ thông tin cá nhân của tác giả với bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị nào khác vì mục đích lợi nhuận.
- Ban tổ chức sẽ không hoàn trả sản phẩm dự thi và cam kết không sử dụng các sản phẩm dự thi vì mục đích lợi nhuận.
- Ban tổ chức (RCI) có thể sử dụng những sản phẩm sáng tạo và phần diễn giải/chú thích từ mỗi sản phẩm cho mục đích truyền thông phi lợi nhuận, in ấn và xuất bản, đăng tải công khai tác phẩm (chỉ kèm tên tác giả) nhằm nâng cao nhận thức về quyền đi học của trẻ khuyết tật. Việc sử dụng này không giới hạn thời gian và số lần.
9. Ban giám khảo
- Tại các tỉnh: 1 thành viên từ Phòng Giáo dục huyện và 1 thành viên của tổ chức đối tác.
- Tại HN: 1 thành viên VAEFA và 1 thành viên của RCI.
Tải Phiếu đồng thuận tham gia cuộc thi tại đây.