Trong khuôn khổ các hoạt động dự án hàng năm do Liliane Fonds tài trợ, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) đã tổ chức chuyến tham quan học tập mô hình Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật Đắk Lắk (sau đây gọi tắt là Trung tâm) cho đoàn đại biểu 3 tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị và Quảng Nam tại Đắk Lắk từ ngày 8, 9 tháng 5 năm2019.
Các đại biểu tham dự chuyến học tập trao đổi gồm các đại diện của tổ chức đối tác của RCI tại ba tỉnh trên gồm Hội từ thiện tỉnh Quảng Trị, tổ chức VNHIP, Viện tài chính vi mô và phát triển cộng đồng (MACDI) và đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Nam, Sở Giáo dục Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình.
Các tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị và Quảng Nam hiện nay chưa có Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật hoặc đã có nhưng chưa có học sinh khuyết tật. Do đó mục đích của chuyến đi nhằm học tập mô hình của Trung tâm tại Đắk Lắk, một trong những Trung tâm được thành lập đầu tiên trong cả nước và hoạt động hiệu quả để nhằm giúp ba tỉnh có định hướng triển khai mô hình này tại địa phương họ.
Trong 1,5 ngày tham quan học tập tại Đắk Lắk, đoàn đã được nghe chia sẻ của các cán bộ quản lý và giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Đắk Lắk, đi thăm trường tiểu học Lê Lợi nơi có trẻ khuyết tật học hòa nhập, trao đổi với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk .
Trung tâm trước đây được biết đến với tên gọi Trường học Hy vọng cho trẻ em. Trung tâm có 17 lớp với 180 học sinh khuyết tật từ bậc mẫu giáo đến trung học. Tại Trung tâm, ngoài việc học các môn văn hóa, các em sẽ tham gia các bài tập vật lý trị liệu phù hợp với từng loại khuyết tật. Các em còn được học các môn kỹ năng sống và môn định hướng nghề nghiệp. Hai môn này giúp các em có thể tiếp tục học tại các lớp hòa nhập/ bán hòa nhập tại các trường công lập và tìm việc làm sau này.
Đoàn cũng có dịp thăm trường tiểu học Lê Lợi, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk. Tại đây, các thầy cô giáo luôn tạo điều kiện học tập và sinh hoạt tốt nhất cho trẻ có trẻ khuyết tật học hòa nhập. Học sinh học hòa nhập/ bán hòa nhập tại trường đều có hồ sơ kế hoạch học tập theo dõi quá trình phát triển, học tập từ khi vào trường.
Hàng tháng Trung tâm đều cử giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt về trường để hỗ trợ chuyên môn cho các giáo viên dạy hòa nhập và trực tiếp hỗ trợ các em học sinh khuyết tật đang học hòa nhập tại trường. Lịch đi hỗ trợ được Trung tâm và các trường thống nhất từ đầu năm theo kế hoạch năm của Trung tâm.
Trong buổi gặp gỡ với Sở Giáo dục – Đào tạo Đắk Lắk , đoàn đã được nghe những chia sẻ quý báu của đại điện Sở GD-ĐT về việc hỗ trợ Trung tâm từ khi thành lập đến việc đưa ra những tham vấn kịp thời trong suốt quá trình hoạt động. Theo quan điểm của Sở, điều mấu chốt nhất để Trung tâm vận hành hiệu quả vẫn là tâm huyết và cam kết của người đứng đầu với trẻ khuyết tật, phải thật hiểu ý nghĩa lớn lao của giáo dục hòa nhập cho các em thì mới quyết sách và duy trì được các chính sách đảm bảo Trung tâm hoạt động tốt.
Bên cạnh đó, các đại biểu trong đoàn cũng có dịp hỏi đáp, học tập kinh nghiệm với đại diện Trường, Trung Tâm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk về cơ sở pháp lý để thành lập trung tâm, vận hành trung tâm, công tác tuyển sinh cũng như các chế độ cho học sinh khuyết tật, giáo viên dạy tại Trung tâm.